Châu Âu thách thức Starlink
Liên minh châu Âu ‘chốt’ kế hoạch xây dựng mạng vệ tinh Internet để cạnh tranh với dịch vụ Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Dịch vụ Starlink của Elon Musk có đối thủ mới đến từ châu Âu. Ảnh: BloombergStarlink của Elon Musk sắp có đối thủ mới sau khi Liên minh châu Âu xác nhận sẽ tham gia cuộc đua cung cấp Internet tốc độ cao đến vùng sâu vùng xa.
Hôm đầu tuần, EU cho biết đã hoàn thiện kế hoạch xây dựng mạng vệ tinh 10,6 tỷ EUR (11,1 tỷ USD) để cạnh tranh với Starlink.
Theo đó, chòm vệ tinh Iris² sẽ bao gồm 280 vệ tinh ở quỹ đạo thấp và trung bình của Trái Đất. Dịch vụ dự kiến hoạt động vào năm 2030.
Trước đó, giới chính trị gia châu Âu bày tỏ lo ngại về nguy cơ khi trở nên lệ thuộc vào Starlink.
Dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX có khoảng 7.000 vệ tinh trên quỹ đạo, theo ước tính của các chuyên gia và ghi nhận lưu lượng tăng vọt trong vài năm gần đây khi mở rộng hoạt động ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
EU không phải bên duy nhất phát triển dịch vụ cạnh tranh với Starlink. Amazon cũng đang làm dự án vệ tinh Internet riêng có tên Kuiper. Các vệ tinh đầu tiên dự định triển khai trong năm 2025.
Trung Quốc vượt Mỹ một số mô hình AI
Các chuyên gia AI đánh giá một số mô hình AI của Trung Quốc đang bắt kịp, thậm chí vượt qua đối thủ Mỹ, về hiệu suất.
Một khách tham quan tìm hiểu mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) chuyên nghiệp, đa phương thức đầu tiên trên thế giới đối với lĩnh vực khoa học mặt trăng trong Triển lãm Công nghiệp Dữ liệu lớn Quốc tế Trung Quốc ở Quý Dương, Quý Châu, Trung Quốc, vào ngày 29/8. Ảnh: Tân Hoa XãChia sẻ với CNBC, các chuyên gia cho rằng nỗ lực thống trị thế giới AI của Trung Quốc có thể đang được đền đáp. Những mô hình AI của đại lục đặc biệt phổ biến, đang bắt kịp – thậm chí vượt qua đối thủ Mỹ về hiệu suất.
AI đã trở thành mặt trận mới trong thương chiến Mỹ - Trung. Cả hai bên đều xem đây là công nghệ chiến lược. Washington tiếp tục hạn chế quyền truy cập chip tối tân của Bắc Kinh do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Nó dẫn đến việc Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận riêng để thúc đẩy các mô hình AI của riêng mình, bao gồm phụ thuộc vào công nghệ nguồn mở và phát triển phần mềm, chip “cây nhà lá vườn”.
Tương tự các doanh nghiệp Mỹ dẫn đầu trên thị trường, các công ty AI Trung Quốc cũng phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), được huấn luyện dựa trên lượng lớn dữ liệu và là nền tảng của các ứng dụng như chatbot.
Trên kho lưu trữ LLM Hugging Face, các mô hình ngôn ngữ lớn Trung Quốc được tải về nhiều nhất. Theo kỹ sư máy học Tiezhen Wang của Hugging Face, Qwen – hệ thống mô hình AI của Alibaba – là phổ biến nhất. Ông cho biết Qwen ngày càng được ưa chuộng nhờ hiệu suất nổi bật.
Startup DeepSeek cũng đang nổi lên với mô hình DeepSeek-R1. Nó cạnh tranh với mô hình o1 của OpenAI.
Các công ty này tuyên bố mô hình của họ có thể đối đầu với các giải pháp nguồn mở khác như Llama của Meta, cũng như LLM nguồn đóng như của OpenAI trên một số chức năng khác nhau.
Grace Isford, quản lý tại công ty đầu tư Lux Capital, nhận xét trong năm qua, họ đã chứng kiến sự trỗi dậy của các mô hình nguồn mở Trung Quốc đối với AI.
Bị hạn chế tiếp cận chip tiên tiến phủ “mây đen” lên triển vọng AI của Trung Quốc, do các mô hình AI cần đến sức mạnh tính toán lớn.
Tuy nhiên, theo Isford, Trung Quốc đang đầu tư và phát triển toàn bộ hạ tầng AI nội địa một cách hệ thống mà không xoay quanh Nvidia.
Do vậy, dù chip Nvidia có bị cấm bán sang đại lục hay không, cũng không thể ngăn cản Bắc Kinh đầu tư và xây dựng hạ tầng riêng để phát triển và đào tạo mô hình AI.
Công ty mẹ Facebook bị phạt 263 triệu USD
Án phạt được Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) đưa ra dựa trên Luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR). Sự cố xảy ra vào tháng 7/2017 khi Facebook triển khai chức năng tải video bao gồm tính năng “View as”, cho phép người dùng xem trang cá nhân của mình dưới góc nhìn của người dùng khác.
Meta bị phạt hơn 250 triệu EUR vì sự cố bảo mật 7 năm trước. Ảnh: Android HeadlinesTuy nhiên, một lỗi trong thiết kế đã giúp kẻ xấu tạo ra token người dùng để truy cập đầy đủ trang cá nhân Facebook của họ. Sau đó, chúng dùng token để khai thác các tính năng trên các tài khoản khác, truy cập bất hợp pháp thông tin và dữ liệu của nhiều người dùng.
Theo nhà chức trách, từ ngày 14/9 đến 28/9/2018, kẻ xấu lợi dụng lỗ hổng để đăng nhập xấp xỉ 29 triệu tài khoản Facebook trên toàn cầu, khoảng 3 triệu trong số này tại châu Âu/khu vực kinh tế châu Âu.
Dữ liệu bị xâm phạm bao gồm họ tên, địa chỉ email, số điện thoại, vị trí, nơi làm việc, ngày sinh, khu vực, giới tính, bài viết trên dòng thời gian, nhóm mà họ là thành viên, dữ liệu cá nhân con của họ.
DPC mở hai cuộc điều tra liên quan đến sự cố, một liên quan đến thông báo bảo mật và một liên quan đến quy tắc bảo vệ dữ liệu ngay từ khi thiết kế. Cơ quan công bố phán quyết cuối cùng vào ngày 17/12. Trong cả hai trường hợp, Meta đều vi phạm GDPR.
Cụ thể, Meta bị phạt 11 triệu EUR trong cuộc điều tra đầu tiên vì DPC phát hiện thông báo bảo mật của công ty mẹ Facebook không bao gồm tất cả thông tin “có thể có và nên có”. Tập đoàn cũng không ghi lại đầy đủ thông tin của sự cố và các bước đã thực hiện để khắc phục.
Với cuộc điều tra thứ hai, Meta bị phạt 240 triệu EUR vì vi phạm các nguyên tắc GDPR trong bảo vệ dữ liệu ngay từ khi thiết kế, không áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo vệ dữ liệu người dùng trước việc truy cập trái phép.
Tác giả: Hải Phong
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn