Một hội đồng gồm ba thẩm phán ở Washington tuyên bố Quốc hội có quyền hành động chống lại TikTok để bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể gây áp lực lên ByteDance – công ty mẹ TikTok – để tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ và can thiệp nội dung trên nền tảng.
Quyết định của tòa án phúc thẩm bác bỏ lập luận của TikTok và một số người dùng rằng lệnh cấm vi phạm hiến pháp về tự do ngôn luận.
TikTok chưa thể xoay chuyển lệnh cấm tại Mỹ. Ảnh: BloombergVào tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua dự luật yêu cầu ByteDance phải bán TikTok nếu không muốn bị cấm tại Mỹ. Cộng đồng tình báo đã cảnh báo về mối đe dọa của TikTok với an ninh quốc gia.
CEO TikTok Shou Zi Chew phản bác và cho rằng những lo ngại này hoàn toàn là suy đoán.
Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 19/1. Trong trường hợp ByteDance không tuân thủ, luật sẽ yêu cầu các công ty vận hành chợ ứng dụng như Apple, Google và các nhà cung cấp dịch vụ Internet ngừng hỗ trợ TikTok.
TikTok dự kiến sẽ kháng cáo lên tòa án tối cao nhưng các thẩm phán không có nghĩa vụ phải xét xử vụ án.
ByteDance cho biết họ không thể và sẽ không bán các hoạt động của mình tại Mỹ. Chính phủ Trung Quốc phản đối việc ép bán và muốn giữ thuật toán độc quyền cũng như mã nguồn của TikTok dưới sự kiểm soát của họ.
Thời báo Phố Wall nhận định, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ khiến vụ việc thêm phức tạp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông từng muốn cấm TikTok nhưng đầu năm nay lại thay đổi quan điểm.
Lệnh cấm vẫn cho phép 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ tiếp tục sử dụng ứng dụng, song cấm các chợ như App Store và Google Play cho tải xuống, cập nhật, cấm dịch vụ lưu trữ Internet hỗ trợ.
TikTok hoạt động tại Mỹ từ năm 2018 và phát triển bùng nổ, đặc biệt trong giới Gen Z. Nó hiện là nền tảng mạng xã hội lớn thứ 5 ở đây trong số người dùng trưởng thành và là nguồn tin tức phổ biến với giới trẻ, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Việc loại bỏ TikTok ở Mỹ sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh địa chính trị về quyền kiểm soát phương tiện truyền thông Internet và dữ liệu người dùng.
Gmail, Google, YouTube, Facebook, Instagram và X đều bị chặn ở Trung Quốc song Mỹ chưa bao giờ cắt đứt quyền truy cập vào một công ty mạng xã hội.
TikTok cố gắng xoa dịu những lo ngại về an ninh quốc gia bằng cách chi hàng tỷ USD cho một dự án lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trong nước. Dù vậy, “dự án Texas” không giúp ích được gì.
TikTok có thể sẽ tiếp cận theo hai hướng để cố gắng cứu vãn sự hiện diện tại Mỹ. Để hoãn ngày có hiệu lực hiện tại của lệnh cấm vào ngày 19/1, công ty có thể cần một lệnh tạm hoãn khẩn cấp từ Tòa án Tối cao.
Hướng còn lại là thông qua ông Trump, người về lý thuyết có thể từ chối thực thi lệnh cấm hoặc viện dẫn các điều khoản của luật cho phép tổng thống dỡ bỏ lệnh cấm nếu chính quyền của ông xác định trang web không còn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Vào năm 2020, ông Trump đã tìm cách đóng cửa TikTok thông qua một sắc lệnh hành pháp nhưng không thành công. Cựu tổng thống hiện xem Facebook là một mối đe dọa lớn hơn đối với công chúng Mỹ, nói rằng "nó sẽ chỉ trở nên lớn hơn và mạnh mẽ hơn nếu TikTok bị loại bỏ". Ứng dụng của Meta đã đình chỉ ông Trump vào năm 2021 và khôi phục tài khoản vào năm 2023.
Trump gia nhập TikTok trong cuộc bầu cử năm 2024 và sử dụng nó để tiếp cận khán giả trẻ. Ông có hơn 14 triệu người theo dõi trên ứng dụng.
(Theo WSJ)
Tác giả: Du Lam
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn