Mục tiêu rõ ràng là nâng cao khả năng chiến đấu của các UAV này, giúp chúng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại của Ukraine, mở ra một chương mới trong chiến tranh công nghệ.
UAV Shahed-136 và Geran-2: “Làm mới” nhờ AI
Ban đầu, Shahed-136 và Geran-2 được thiết kế đơn giản, với mục đích thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn và chi phí thấp. Chúng sử dụng các hệ thống dẫn đường cơ bản, chủ yếu dựa vào GPS và các lộ trình đã được lập trình sẵn. Tuy nhiên, với việc tích hợp AI, những UAV này sẽ được nâng cấp đáng kể, biến chúng trở thành một trong những công cụ tấn công lợi hại.
Theo công bố, AI sẽ giúp các UAV này ra quyết định ngay lập tức, dựa trên dữ liệu từ các cảm biến, thay vì phụ thuộc vào các lộ trình cố định. Điều này mang lại khả năng điều chỉnh quỹ đạo một cách linh hoạt, giúp UAV né tránh radar và các biện pháp phòng thủ của đối phương. Đặc biệt, nếu UAV phát hiện tín hiệu từ hệ thống phòng không như Patriot hay NASAMS của Ukraine, AI sẽ tự động chọn lựa đường bay an toàn, tăng khả năng sống sót.
UAV tích hợp AI có khả năng tự ra quyết định theo thời gian thực. Ảnh: FTNgoài việc tránh các hệ thống phòng không, AI còn giúp các UAV phối hợp tấn công hiệu quả hơn. Trong một nhóm UAV, một phần có thể làm mồi nhử, trong khi phần còn lại tập trung vào mục tiêu chính. Đây là một chiến thuật nhằm làm rối loạn và làm khó các hệ thống phòng không của Ukraine trong việc đưa ra phản ứng kịp thời.
Cùng với khả năng phân tích hình ảnh từ camera hoặc cảm biến hồng ngoại, AI giúp UAV nhận diện và tấn công chính xác các mục tiêu quan trọng, giảm thiểu việc tấn công nhầm vào các mục tiêu không có giá trị chiến lược.
Sản xuất hàng loạt
Không chỉ dừng lại ở việc tích hợp AI vào Shahed-136 và Geran-2, Nga còn đang gia tăng sản xuất các UAV này với quy mô lớn. Theo các nguồn tin, sản lượng UAV Shahed-136 (Geran-2) hiện đạt tới 900 chiếc mỗi tháng tại các cơ sở sản xuất ở Tatarstan. Để giảm chi phí và tăng tốc độ sản xuất, Nga đã đơn giản hóa thiết kế ban đầu, trong đó sử dụng động cơ MD-550 giá rẻ từ Trung Quốc, giúp rút ngắn thời gian chế tạo mà vẫn giữ được hiệu suất cần thiết.
Bên cạnh Geran-2, Nga còn phát triển các loại UAV khác như Lancet – một mẫu UAV nhỏ gọn với khả năng tấn công chính xác hơn, thường được sử dụng trong các chiến dịch tấn công cơ sở hạ tầng và thiết bị quân sự, và Gerbera – UAV được cho là hiệu quả trong các cuộc tấn công phối hợp nhằm làm áp đảo các hệ thống phòng không của đối phương.
Với việc đẩy mạnh sản xuất UAV và cải tiến công nghệ, Nga hy vọng có thể duy trì sức ép quân sự đối với Ukraine, khai thác những điểm yếu trong các hệ thống phòng không của đối phương. Tăng cường số lượng UAV không chỉ mang đến lợi thế về mặt chiến thuật mà còn tạo ra sự bất ngờ trong các đợt tấn công quy mô lớn.
Mặc dù UAV Shahed-136 và Geran-2 được tích hợp AI để tránh né radar và các hệ thống phòng không, song vẫn sẽ gặp trở ngại trước những hệ thống phòng thủ có tốc độ bắn nhanh như Gepard,. Các UAV này cũng gặp hạn chế về bán kính hoạt động và khả năng mang theo đạn, khiến chúng khó có thể duy trì sức ép lâu dài trong những đợt tấn công quy mô lớn.
(Tổng hợp)
Tác giả: Thế Vinh
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn