Tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC), Li nhắc lại nhận định “sự cạnh tranh gay gắt giữa hơn 100 LLM tại Trung Quốc hồi năm 2023 đã dẫn đến lãng phí tài nguyên, đặc biệt là sức mạnh điện toán”.
Người đứng đầu Baidu kêu gọi các nhà phát triển cần tập trung xây dựng ứng dụng thực tế thay vì mải mê tạo ra những biến thể của công nghệ đằng sau chatbot ChatGPT.
CEO Baidu cho rằng Trung Quốc có quá nhiều LLM nhưng lợi ích thiết thực thì không có. Ảnh: SCMP“Tôi nhận thấy nhiều người vẫn chủ yếu tập trung vào mô hình nền tảng. Nhưng các ứng dụng trong thế giới thực tế thì sao? Đến nay, ai là người được hưởng lợi từ chúng”, Li cho hay.
Thị trường AI tạo sinh (GenAI) của Trung Quốc đã trở nên đông đúc với hơn 200 LLM xuất hiện kể từ khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022. Sự cạnh tranh quá mức từ các Big Tech đã dẫn đến cuộc chiến về giá cho các dịch vụ AI thương mại, khi những doanh nghiệp toàn cầu như OpenAI và Google vắng bóng trên thị trường.
Tương tự như thị trường quốc tế, lĩnh vực AI Trung Quốc mới ở giai đoạn đầu thương mại hoá. CEO Li cho hay, đến nay các ngành hậu cần (logistics) và sáng tạo nội dung đang hưởng lợi từ các ứng dụng AI giúp nâng cao hiệu suất.
Baidu cũng đang ứng dụng trợ lý mã hoá, chạy trên nền tảng Ernie LLM. CEO gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc cho biết 30% mã hoá của công ty đang được xử lý bởi AI.
Xu Li, CEO và đồng sáng lập SenseTime, một trong những công ty AI hàng đầu tại đại lục, nhận định: “Ứng dụng là chìa khoá để xác định đây có phải thời điểm quan trọng đối với AI hay không”.
“Mặc dù lĩnh vực này hiện nay là một chủ đề nóng, nhưng nó vẫn chưa đạt đến thời điểm bùng phát do chưa thâm nhập vào bất kỳ ứng dụng trong các ngành dọc nào để tạo ra sự thay đổi rộng rãi”, Xu Li nói.
Yan Junjie , Giám đốc điều hành MiniMax, một công ty khởi nghiệp AI khác, cho rằng ông kỳ vọng có sự hợp nhất lớn hơn trong ngành, với LLM chỉ nên được phát triển bởi 5 doanh nghiệp.
Thành công bất ngờ của ChatGPT đã khơi dậy làn sóng sản xuất LLM mang bản sắc Trung Quốc.
Ngoài một nhóm nhỏ các công ty khởi nghiệp được mệnh danh là “những con hổ AI”, những tên tuổi trong ngành công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đổ tiền ào ạt vào thị trường.
Chủ sở hữu TikTok, ByteDance, "gã khổng lồ" truyền thông xã hội Tencent Holdings và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding đã bắt đầu giảm giá mạnh các dịch vụ dựa trên LLM vào tháng 5/2024 để thu hút người dùng.
(Theo SCMP)
Tác giả: Thế Vinh
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn