Chân dung Steve Ballmer, trợ lý cũ vừa giàu hơn Bill Gates

Thứ tư - 10/07/2024 04:45

Chân dung Steve Ballmer, trợ lý cũ vừa giàu hơn Bill Gates

Chân dung Steve Ballmer, trợ lý cũ vừa giàu hơn Bill Gates
Cựu CEO Microsoft Steve Ballmer là người giàu thứ 6 thế giới, theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg. Đứng sau Ballmer hai bậc là ông chủ cũ, Bill Gates.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg, tính đến ngày 8/7, Steve Ballmer sở hữu khối tài sản ròng 161 tỷ USD, còn Bill Gates đang có 159 tỷ USD. Nhìn lại khởi đầu khiêm tốn cho đến nấc thang danh vọng trong giới công nghệ, cuộc đời của Ballmer không thiếu kỳ tích. Quyết định táo bạo bỏ Đại học Stanford để về với Gates tại Microsoft là bước ngoặt giúp ông từ một sinh viên bình thường đến tỷ phú hàng đầu thế giới.

Câu chuyện của cựu CEO Microsoft bắt đầu tại Motor City, Detroit, Michigan (Mỹ). Sinh ngày 24/3/1956 trong một gia đình trung lưu, ông thấm nhuần các giá trị của sự chăm chỉ và quyết tâm từ khi còn nhỏ. Bố mẹ khuyến khích ông theo đuổi đam mê và làm tốt nhất những gì đã đặt mục tiêu.

Ông theo học chuyên ngành toán học và kinh tế học tại Đại học Harvard. Chính tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với Gates. Đam mê lập trình giúp hai sinh viên xích lại gần nhau.

Steve Ballmer làm CEO Microsoft từ năm 2000 đến 2014. Ảnh: Vox

Tốt nghiệp Harvard năm 1997, Ballmer làm việc hai năm tại Procter & Gamble ở vai trò quản lý sản phẩm, rồi nghỉ việc và tiếp tục học cao học tại Trường kinh doanh Stanford. Gates đã thuyết phục bạn mình bỏ học chỉ sau một năm và rủ ông về công ty mới thành lập có tên Microsoft. Năm 1980, Ballmer trở thành nhân viên số 30 và là quản lý kinh doanh đầu tiên tại startup. Khi đó, cả hai không thể dự đoán được sự trỗi dậy nhanh chóng của Ballmer trong những thập kỷ tiếp theo.

Năm 1983, Ballmer phụ trách phát triển hệ điều hành Windows đầu tiên. Năm 1992, ông lên chức Phó Chủ tịch Bán hàng và dịch vụ. Năm 1998, ông được xướng tên Chủ tịch Microsoft, cai quản hoạt động hàng ngày. Năm 2000, ông ngồi lên ghế CEO sau khi Gates từ chức.

Microsoft nhanh chóng từ một startup công nghệ nhỏ bé trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ, vượt qua Apple và thống trị thị trường máy tính cá nhân thập niên 1990 nhờ Windows. Ballmer kế nhiệm Gates trong thời điểm chuyển giao quan trọng, vượt qua hậu quả của vụ kiện chống độc quyền nổi tiếng năm 1998, sự sụp đổ dotcom cũng như sự xuất hiện của các đối thủ cả mới và cũ: Google và Apple.

Dù Gates thường được xem là nhà sáng lập thiên tài của Microsoft, người trong công ty lưu ý chính năng lượng có phần khoa trương, sự nhạy bén trong kinh doanh và khả năng cạnh tranh gần như điên cuồng của Ballmer đã giúp Microsoft vươn mình lớn mạnh, từ doanh thu 25 tỷ USD lên hơn 70 tỷ USD trong suốt nhiệm kỳ 14 năm (2000 – 2014).

Trong thời gian này, thị phần Windows tăng từ 85% lên hơn 90%, lợi nhuận tăng gấp ba lần từ 9 tỷ USD lên 29 tỷ USD, nhân viên tăng từ 30.000 lên hơn 99.000 và giá cổ phiếu từ 39 USD lên 140 USD. Ballmer cũng mở rộng hoạt động kinh doanh của Microsoft, từ hệ điều hành sang dịch vụ đám mây doanh nghiệp, hỗ trợ dự án game console Xbox bán hơn 100 triệu đơn vị, mua lại Skype với giá 8,5 tỷ USD.

Ngoài câu chuyện lợi nhuận và sản phẩm, các cựu nhân viên cũng ghi nhận Ballmer đã tạo ra văn hoa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Các dự án rủi ro như Xbox, máy nghe nhạc Zune và dịch vụ đám mây doanh nghiệp bắt nguồn từ việc cựu CEO hối thúc các bộ phận theo đuổi các ý tưởng dù kết quả ra sao. Tuy nhiên, ông cũng nổi tiếng với những đòi hỏi khắt khe đối với cấp dưới.

Dù dẫn dắt Microsoft đến với tăng trưởng kỷ lục, Ballmer cũng có sai lầm. Thời kỳ đầu, ông không thể thách thức iPhone trong lĩnh vực di động và thất bại với Windows Phone.

Năm 2014, ở tuổi 57, Ballmer thông báo nghỉ hưu và trao quyền cho Satya Nadella. Dù vậy, ông vẫn là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất của Microsoft. Theo Bloomberg, ông nắm khoảng 4,5% cổ phần công ty.

Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục lối sống nhiệt huyết, táo bạo và đam mê. Cùng năm 2014, ông mua lại đội bóng rổ Los Angeles Clippers với giá 2 tỷ USD. Forbes định giá thương vụ hiện tại có giá trị hơn 4,5 tỷ USD. Ông cũng dành thời gian và tiền bạc làm từ thiện: Quyên góp gần 2 tỷ USD cho quỹ Goldman Sachs tập trung vào chuyển dịch kinh tế năm 2018, đầu tư 400 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp do người da màu làm chủ năm 2022, rót 43 triệu USD cho hoạt động giáo dục mầm non tháng 3/2023. Tháng 9/2023, ông tuyên bố đầu tư 175 triệu USD trong 7 năm tiếp theo để giúp đỡ 4 triệu thanh niên, đặc biệt trong cộng đồng da màu đang vấp phải bất bình đẳng có tính hệ thống, trên con đường thoát nghèo.

Steve Ballmer chắc chắn đã tác động lớn đến Microsoft trong 34 năm làm việc. Sự xuất sắc của ông đã giúp công ty thành công chưa từng có. Dù không phải không có sai lầm trong thời gian làm CEO, di sản của Ballmer đã giúp định hình Microsoft thành “gã khổng lồ” toàn cầu như ngày nay.

(Theo Fortune, Historytools, Bloomberg)

Tác giả: Du Lam

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 lượt xếp hạng

Click để xếp hạng bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,318
  • Tháng hiện tại3,318
  • Tổng lượt truy cập41,312
Thăm dò ý kiến

Tại sao bạn biết đến chúng tôi

Đối tác

tosiba
Sharp
hitachi
midea
daikin
skyworth
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây