Trong gần hai năm kể từ khi Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật CHIPS và Khoa học thành luật với mục đích hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, Bộ Thương mại đã công bố gần 30 tỷ USD tài trợ và thêm 25 tỷ USD cho các nhà sản xuất chip hàng đầu, cùng với các khoản giảm thuế hào phóng để thúc đẩy lĩnh vực này. Nó giúp thu hút một khoản đầu tư tư nhân 450 tỷ USD và sự phát triển của các nhà máy mới từ Ohio đến Arizona.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi Đạo luật CHIPS bước vào giai đoạn mới và các dự án theo kế hoạch bắt đầu đi vào hoạt động, họ gặp phải một trở ngại lớn: Các nhà máy không có đủ công nhân có trình độ. Một quan chức Bộ Thương mại giấu tên gọi đây là “nút thắt cổ chai tiềm tàng vô cùng quan trọng”. Do đã giảm đáng kể hoạt động sản xuất bán dẫn trong 35 năm qua, nước Mỹ đã đánh mất nhiều kỹ năng và giờ là lúc phải phục hồi sinh lực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ ba từ phải sang) trong chuyến thăm một nhà máy Intel tại Mỹ tháng 3/2024. Ảnh: IntelHiệp hội công nghiệp bán dẫn (SIA) ước tính Mỹ thiếu gần 67.000 lao động lành nghề - hay 58% việc làm mới do các khoản đầu tư vào Đạo luật CHIPS tạo ra vào năm 2030. Các bên liên quan đang nỗ lực để tìm cách thu hẹp khoảng cách đó.
"Bạn không thể điều hành một nền kinh tế như của chúng ta mà không có một khu vực sản xuất vững chắc", Mike Russo, Chủ tịch kiêm CEO Viện Đổi mới & Công nghệ Quốc gia (NIIT), chia sẻ với tạp chí Fortune. "Đó là một thành phần nền tảng của sự đổi mới. Nếu bạn muốn lãnh đạo, bạn phải đổi mới".
Vào buổi bình minh của kỷ nguyên bán dẫn thương mại hồi những năm 1970, Mỹ là điểm nóng nhân tài không thể tranh cãi. Các công ty Mỹ bao gồm Texas Instruments và Micron là những nhà đổi mới sáng tạo lớn nhất toàn cầu, thu hút các tài năng kỹ thuật hàng đầu và sản xuất nhiều chip của riêng mình trong nước.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ tiếp theo, mô hình kinh doanh của ngành đã thay đổi. Nhiều nhà thiết kế chip lớn - bao gồm Nvidia, Intel và AMD - vẫn duy trì hoạt động tại Mỹ nhưng khi việc sản xuất trở nên phức tạp và chuyên biệt hơn, họ bắt đầu thuê ngoài sản xuất tại châu Á. TSMC – xưởng đúc chip lớn nhất thế giới – hiện phụ trách khoảng 92% chip tiên tiến dùng trong ứng dụng AI và điện toán hiện đại.
Đưa "sexy" trở lại sản xuất
Khi việc làm bán dẫn rời khỏi Mỹ, nhân sự của đất nước cũng cạn kiệt. Sự thay đổi này được đẩy nhanh hơn nữa khi đào tạo kỹ thuật, dựa trên kỹ năng sụt giảm trên diện rộng trong hàng thập kỷ. Nền kinh tế chuyển từ sản xuất sang dịch vụ nhiều hơn. Bên cạnh đó, trong nhiều năm, các hãng bán dẫn như Intel dựa vào sinh viên cao đẳng cộng đồng để lấp đầy một phần lớn công việc kỹ thuật viên tại các nhà máy. Song, việc đào tạo kỹ thuật viên đã suy yếu dần khi các công ty đầu tư nhiều hơn vào STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), tài trợ nghiên cứu cho các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, Intel viết trong một báo cáo năm 2023 về tình trạng thiếu hụt lao động bán dẫn.
Trong những thập kỷ gần đây, các trường học đổ tiền vào giáo dục STEM tiên tiến và đẩy học sinh ra khỏi giáo dục kỹ thuật, dựa trên kỹ năng.
"Chúng ta phải làm cho sản xuất chất bán dẫn trở nên hấp dẫn", quan chức Bộ Thương mại Mỹ giấu tên nhận xét.
Và toàn bộ ngành công nghiệp đã được huy động để làm điều đó: Từ các nhà giáo dục, các quan chức chính sách đến các tổ chức phi lợi nhuận. Phần lớn xoay quanh lời hứa các công việc sản xuất chất bán dẫn mới sẽ an toàn và bền vững, được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Các nhà sản xuất nhận được trợ cấp của chính phủ thông qua Đạo luật CHIPS đều đồng ý với các điều khoản mở rộng để đảm bảo duy trì các địa điểm sản xuất của Mỹ mở cửa lâu dài và làm phần việc của mình để giúp đào tạo và phát triển lực lượng lao động. Để xây dựng các chương trình, kết nối, làm cho học sinh cảm thấy hào hứng với bán dẫn sẽ mất rất nhiều công sức, theo quan chức giấu tên.
Những người chỉ trích Đạo luật CHIPS lại tỏ ra hoài nghi: Không có gì bảo đảm ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng việc làm mà không có tiến bộ công nghệ đáng kể. Ngoài ra, việc tăng cường tự động hóa trong ngành đe dọa sụt giảm việc làm sản xuất.
Các quan chức phản bác rằng ngân sách của Đạo luật CHIPS đi kèm với các điều khoản nghiêm ngặt, yêu cầu các công ty tiếp nhận phải ở lại Mỹ lâu dài và các công việc sản xuất sẽ được bảo vệ thông qua vai trò quan trọng của chất bán dẫn trong mọi thứ, từ thương mại, giải trí đến an ninh quốc gia.
Trong bài phát biểu năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khẳng định Đạo luật CHIPS sẽ “tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tốt có tiềm năng thay đổi cuộc sống, mang lại lợi ích duy trì gia đình và dẫn đến sự nghiệp lâu dài”.
Con đường sự nghiệp mới
Dưới sự lãnh đạo của Russo, NIIT đã dẫn đầu một mạng lưới rộng lớn các chương trình đào tạo và học nghề để giúp thu hẹp khoảng cách lực lượng lao động bán dẫn. Tổ chức phi lợi nhuận hợp tác với hơn 80 chương trình học nghề địa phương và khu vực ở 17 tiểu bang, đưa gần 5.000 sinh viên đến với các chương trình đào tạo có lương trong một năm rưỡi qua, Russo nói. Họ cũng đang làm việc với các trường cao đẳng và đại học cộng đồng để đảm bảo sinh viên được khuyến khích xem xét làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn như một lựa chọn nghề nghiệp khả thi và có hướng dẫn đúng đắn.
Ông chỉ ra nhiều kỹ năng mà ngành bán dẫn cần đến ngay bây giờ không yêu cầu bằng tiến sĩ, hoặc thậm chí bằng đại học. Ứng viên trình độ trung học chỉ cần được đào tạo đúng đắn là có thể làm chủ được kỹ thuật chuyên ngành.
Các công ty được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS cũng đang tham gia đào tạo người lao động. Chẳng hạn, khoản tài trợ 8,5 tỷ USD của Intel bao gồm 50 triệu USD dành riêng cho đào tạo lực lượng lao động và bổ sung vào 250 triệu USD mà Intel đã bỏ ra để mang về công nhân mới trong 5 năm qua. Theo quan chức Bộ Thương mại, có thể thấy ngân sách đang trực tiếp dùng để phát triển lực lượng lao động.
(Theo Fortune)
Tác giả: Du Lam
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn