Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn ngại ứng dụng AI?

Thứ tư - 03/07/2024 07:27

Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn ngại ứng dụng AI?

Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn ngại ứng dụng AI?
Không biết bắt đầu từ đâu, chưa sắp xếp được nguồn vốn hay nguồn nhân lực, sợ bị thay thế… là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt ngại ứng dụng AI.

Tại hội thảo “Giải pháp AI trong doanh nghiệp”, được tổ chức tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) ở TP.HCM ngày 28/6 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tạo ra trong thời gian qua, nhưng việc áp dụng các giải pháp này vào thực tiễn vẫn còn khá hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn ngại ứng dụng AI. Ảnh: Lê Mỹ

Theo ông Trần Phúc Hồng, Phó chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO), hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp muốn triển khai AI, thực hiện chuyển đổi số nhưng đa phần chưa biết bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, áp dụng AI đang là xu hướng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đột phá, tăng năng suất, hiệu quả làm việc và giảm chi phí. 

Theo báo cáo của McKinsey & Company, kết quả khảo sát 1.363 doanh nghiệp trên thế giới về áp dụng AI cho thấy có 72% doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ này ở ít nhất một phòng, ban. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Trung tâm AI của Tập đoàn công nghệ TMA, tại Việt Nam, khảo sát cho thấy phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chưa sẵn sàng hoặc còn lúng túng khi ứng dụng AI. Những khó khăn mà các doanh nghiệp này gặp phải đến từ các yếu tố như nguồn vốn, nguồn nhân lực và việc đồng bộ dữ liệu khi phần lớn dữ liệu nằm ở nhiều nguồn khác nhau như Google Drive, Excel…

Đại diện Trung tâm AI của TMA chia sẻ cứ nhắc đến AI là nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến chi phí cao. Nếu đầu tư, họ lo ngại hiệu quả mang lại không cao và đòi hỏi công cụ này phải đáp ứng nhu cầu khá lớn của doanh nghiệp, trong khi AI cũng cần được đào tạo để hiểu dữ liệu của doanh nghiệp.

Ông Phan Tấn Quốc, Phó giám đốc Chương trình đổi mới sáng tạo KPMG Việt Nam, cho biết nghiên cứu mới đây cho thấy AI được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ngân hàng, bán lẻ, marketing, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Riêng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, số tiền một doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu chiếm từ 15 - 30% tổng doanh thu. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp trên thế giới sẵn sàng chi cho việc nghiên cứu, ứng dụng AI để tăng năng suất, nâng cao hoạt động.

Theo ông Quốc, các doanh nghiệp trên thế giới nhìn nhận AI và đổi mới sáng tạo là vấn đề tất yếu để phát triển bền vững trong tương lai, với tinh thần khám phá cái mới, chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), là ngại ứng dụng AI do sợ bị thay thế. Họ nghĩ rằng sẽ đến lúc AI như một "giám đốc điều hành" khiến con người bị đào thải. Nhân viên dưới quyền ngại sử dụng AI vì sợ bị mất việc.

Không chỉ vậy, những doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định hàng năm lại thiếu động lực đổi mới. Ông Quốc cho rằng việc ứng dụng AI đến từ việc lãnh đạo nhận thức rõ mình chính là người quản trị và AI chỉ công cụ giúp tăng hiệu quả công việc, tăng doanh thu. Nhân viên được đào tạo kỹ năng sử dụng AI cũng sẽ giúp nâng cao năng suất lao động.

Cùng quan điểm, ông Lữ Thế Hùng, Tổng giám đốc Edux, cho rằng doanh nghiệp lo ngại việc ứng dụng AI khiến họ phải giảm biên chế, con người. Tuy nhiên, thực tế, AI giúp tăng doanh số, tăng thu nhập của nhân sự nhờ tăng năng suất lao động.

"Ở Việt Nam, ai đó nghĩ AI khiến mình mất việc tức là họ đang đi ngược với xu thế", ông Hùng chia sẻ.

Tác giả: Lê Mỹ

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 lượt xếp hạng

Click để xếp hạng bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay443
  • Tháng hiện tại19,442
  • Tổng lượt truy cập107,681
Thăm dò ý kiến

Tại sao bạn biết đến chúng tôi

Đối tác

tosiba
Sharp
hitachi
midea
daikin
skyworth
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây