ByteDance đã tuyển dụng tổng cộng 1.089 nhân viên người nước ngoài và xin cấp thị thực lao động (visa H-1B) cho những nhân viên này vào Mỹ làm việc cho TikTok, tính đến hết tháng 9/2023.
Trong số này, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có lao động làm việc cho nền tảng chia sẻ video ngắn tại Mỹ. Đứng top đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Canada.
Theo một thống kê của Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS), có 669 nhân viên thuộc diện H-1B của TikTok mang quốc tịch Trung Quốc, tăng 50% so với năm 2022.
Mười bốn người trong số đó được tuyển dụng để làm việc cho bộ phận an ninh dữ liệu - đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ dữ liệu người dùng Mỹ.
Các công việc bao gồm khoa học dữ liệu, chống gian lận, phân tích hệ thống và kỹ thuật phần mềm.
60% nhân sự xin thị thực H-1B vào Mỹ của TikTok có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục. Ảnh: HLSBên cạnh TikTok, ByteDance cũng đang vận hành các nền tảng khác như Lemon8 (một ứng dụng tương tự Pinterest) tại Mỹ.
Theo dữ liệu của USCIS, việc sử dụng chương trình thị thực H-1B để tuyển dụng nhân tài từ Trung Quốc không phải là điều bất thường, vì đây cũng là quốc gia có nguồn nhân lực phổ biến thứ hai của các công ty tại Mỹ trong năm tài chính 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023).
Tuy nhiên, đáng chú ý là có tới 61% đơn xin thị thực được chấp thuận của ByteDance là dành cho công dân Trung Quốc, so với mức trung bình 12% của các công ty khác tại Mỹ.
Trong nhiều năm qua, TikTok đã bị giám sát chặt chẽ do công ty mẹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ đã nêu lên mối lo ngại rằng ByteDance có thể bị buộc phải giao dữ liệu người dùng TikTok tại nước này cho bên thứ ba.
Một số người lo ngại rằng TikTok có thể được sử dụng như một công cụ tuyên truyền để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
Vào tháng 4, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật đưa ra thời hạn để ByteDance phải thoái vốn tài sản của TikTok tại Mỹ.
Hạn cuối là ngày 19/1 năm sau, nếu không ứng dụng chia sẻ video này có thể bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng "sẽ không bao giờ cấm TikTok", nhưng cơ hội cứu vãn ứng dụng của ông rất hạn chế khi chỉ có thể tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
Mặc dù TikTok có thể gặp khó khăn về mặt chính trị khi tuyển dụng nhân tài từ Trung Quốc, điều này là hợp lý vì công ty này hoạt động chặt chẽ với công ty mẹ ByteDance.
Các nhân viên hiện tại và trước đây của TikTok từng chia sẻ với Business Insider vào năm 2021 rằng các quyết định sản phẩm cuối cùng cho TikTok thường do các nhân viên ByteDance tại Bắc Kinh đưa ra.
Nhân viên TikTok cũng được yêu cầu tuân thủ các giá trị cốt lõi tại nơi làm việc mà họ gọi là "ByteStyles".
(Theo SCMP, Bloomberg)
Tác giả: Thế Vinh
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn