Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy mới đây đã chia sẻ một số quan điểm, góc nhìn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị định này.
Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa sự ra đời Nghị quyết số 57 đối với việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: Nghị quyết số 57 tạo ra những điểm mới đột phá, dưới hình thức như một cuộc cách mạng để thay đổi từ nhận thức, nội dung, cho đến phương thức làm việc.
Trong xã hội chúng ta vẫn còn các nguồn lực chưa thực sự được giải phóng, còn những điểm nghẽn kể cả về nhận thức, thể chế. Nghị quyết số 57 như một mũi nhọn, tập trung vào việc tháo gỡ các điểm nghẽn để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động và nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong Nghị quyết số 57, Bộ Chính trị đã đưa ra những nhận thức chung, những quan điểm rất đổi mới để tháo gỡ các điểm nghẽn.
Ví dụ như quan điểm xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn, tức là phải có độ trễ, rủi ro. Chấp nhận rủi ro, độ trễ là một sự thay đổi về nhận thức, quan điểm.
Quan điểm xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để phát triển đất nước, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và 2045.
Cùng với đó là các quan điểm bắt kịp xu hướng của thế giới về khoa học công nghệ và chuyển đổi số như coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên mới, tư liệu sản xuất mới, chuyển đổi số là để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất.
Quan điểm thúc đẩy sự hợp tác công tư, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học công lập với các doanh nghiệp; Các quan điểm, cơ chế để thu hút các chuyên gia, nhân tài theo cơ chế thị trường.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Thế Duy. Ảnh: Trọng ĐạtThưa ông, đâu là những điểm đột phá nổi bật nhất của Nghị quyết 57?
Sự ra đời của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị là tín hiệu rất vui mừng với không chỉ riêng cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng làm chuyển đổi số mà còn cho tất cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được những kết quả như chúng ta đã đặt ra đến năm 2030 và 2045.
Nghị quyết số 57 mang tính đột phá rất cao với những từ ngữ mang nhiều tính hành động, hiệu triệu, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản cản trở sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mục tiêu của Nghị quyết tập trung vào việc giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng các nguồn lực khác nhau của xã hội để tập trung cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới phương thức làm việc, tích lũy tư liệu sản xuất mới dựa trên dữ liệu, từ đó đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập cao, đảm bảo an ninh quốc phòng một cách bền vững.
Nghị quyết số 57 chọn cách đi vào những điểm nghẽn của thể chế, vào những vấn đề rất mới của thời đại như dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo, Blockchain, IoT, thử nghiệm các công nghệ mới có điều kiện để thúc đẩy nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống.
Để làm được việc đó, Nghị quyết số 57 mang tính hành động rất cao, giao nhiệm vụ cho tất cả cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương, để từ đó tự nhìn nhận lại mình, tự rà soát lại tất cả các thể chế chính sách, hệ thống.
Ví dụ, hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập cũng phải tự đánh giá lại, rà soát để sáp nhập, giải thể những tổ chức hoạt động chưa hiệu quả. Từ đó đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hình thành các tổ chức mạnh hơn, tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển đất nước.
Nghị quyết cũng đưa ra những lời hiệu triệu và giải pháp nền tảng để từ đó cụ thể hóa, huy động được các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, người dân cho công cuộc chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt của đời sống.
Ông đánh giá thế nào về các cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro cho nghiên cứu khoa học trong Nghị quyết số 57?
Bộ Chính trị đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo mới để huy động, tháo gỡ, giải phóng sức sáng tạo. Điều này thể hiện qua việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, có rủi ro. Có rủi ro mới tạo ra được những kết quả đột phá, sáng tạo, mang lại lợi ích cao.
Ví dụ như việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh các cơ chế, chính sách về đầu tư mua sắm công, sở hữu trí tuệ, về giao việc quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ để các đơn vị chủ trì sở hữu kết quả nghiên cứu, từ đó tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển tiếp và ứng dụng ra cuộc sống.
Chính sách đầu tư công, mua sắm công để khuyến khích các kết quả khoa học công nghệ dù chưa đáp ứng được các tiêu chí về thị trường, kinh nghiệm, doanh số nhưng có thể sẽ được ưu tiên để đưa vào sản xuất, kinh doanh sớm hơn.
Các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi số cũng được ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.
Đâu là những thách thức đối với việc triển khai Nghị quyết số 57?
Nghị quyết số 57 là khởi đầu đáng mừng, tạo ra động lực cho các cán bộ quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên thách thức đặt ra trước mắt rất lớn, rất nhiều.
Đầu tiên là thách thức làm sao để đưa Nghị quyết số 57 đi vào cuộc sống. Thách thức thứ hai là tốc độ, thời gian triển khai Nghị quyết. Thế giới phát triển rất nhanh, khoa học công nghệ cũng vậy, nếu Nghị quyết không triển khai nhanh thì rất có thể sẽ lạc hậu. Thách thức thứ ba là làm sao để triển khai rộng rãi đến toàn dân, toàn xã hội, đến tất cả các cấp ủy Đảng một cách thường xuyên, với tốc độ rất cao mới đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ về ý nghĩa của Nghị quyết số 57. Ảnh: Trọng ĐạtĐể cụ thể hóa Nghị quyết này thành những thể chế, giải pháp, chắc chắn cách thức làm việc phải thay đổi, tốc độ làm việc phải cao hơn, không thể như cách trước đây là sửa luật, nghị định, thông tư theo năm, bây giờ phải tốc độ theo tháng. Triển khai các đề án, dự án trước đây có thể theo tháng thì giờ phải theo tuần. Đó là thách thức đối với từng cán bộ, từng cấp ủy Đảng.
Về chuyện lan tỏa rộng rãi, tinh thần của Nghị quyết làm sao phải quán triệt thành hành động cụ thể đối với mọi cán bộ Đảng viên, mọi cấp ủy, sau đó là với mọi doanh nghiệp, người dân mới triển khai đồng bộ, đồng loạt được. Nếu chỉ triển khai ở một vài bộ phận, địa bàn sẽ không tạo ra được sự lan tỏa.
Nghị quyết xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện mang tính cách mạng, tức phải đồng loạt, với tốc độ cao, tạo ra sự thay đổi đột biến.
Trong đó, mọi cá nhân đều phải thay đổi cách thức làm việc, dựa trên dữ liệu, với các hệ thống tự động hóa, trí tuệ nhân tạo cùng các kỹ năng mới là tích lũy, phân tích dữ liệu.
Hệ thống quản lý nhà nước để triển khai được việc này cũng phải thực hiện rất quyết liệt chỉ đạo của Tổng bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền.
Chuyển đổi số có thể hiểu là ứng dụng công nghệ số cộng với đổi mới sáng tạo. Ứng dụng công nghệ số là phát triển khoa học công nghệ, nền tảng, hạ tầng, các ứng dụng nền tảng số... Đổi mới sáng tạo là thay đổi về cách thức quản lý, làm việc, quy trình làm việc. Chúng ta không thể làm chính phủ điện tử nếu không đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Việt Nam có lợi thế gì khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 57?
Tổng Bí thư là người trực tiếp đứng đầu Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Do vậy, Nghị quyết số 57 sẽ quán triệt và huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là một trong những lợi thế đầu tiên để triển khai thành công Nghị quyết số 57.
Nguồn nhân lực của Việt Nam có nền tảng về các ngành kỹ thuật, toán, CNTT, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Việt Nam cũng có thị trường lớn. Đó chính là “bà đỡ” cho các sản phẩm khoa học công nghệ mới, cho các sản phẩm chuyển đổi số.
Tiếp đến là lợi thế về địa chính trị của Việt Nam trong việc kết nối, giao lưu, tạo thuận lợi cho phát triển. Bên cạnh đó còn phải kể đến lợi thế về vị thế của Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế, khi chúng ta tham gia rất nhiều FTA (hiệp định thương mại tự do) và mối quan hệ đối tác chiến lược, ngoại giao với nhiều nước.
Cảm ơn ông!
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn