Trí tuệ nhân tạo ngày càng tác động lớn tới Việt Nam
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một động lực quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Trên thực tế, những năm gần đây, AI đã ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực trọng yếu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc NVIDIA Jensen Huang chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Ảnh: NIC
Trong khu vực công, từ năm 2022, phần mềm trợ lý ảo pháp luật đã được triển khai tại Tòa án Nhân dân Tối cao nhằm giảm tải công việc của các thẩm phán.
Ðến tháng 6/2024, đã có 173.206 văn bản pháp luật, 27.610 câu hỏi giải đáp tình huống pháp lý và 1,4 triệu bản án được tích hợp vào trợ lý ảo.
Sau một thời gian triển khai, các thẩm phán và trợ lý ảo tương tác trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày. Dự kiến đến hết năm 2025, trợ lý ảo sẽ được công khai để mọi người có thể truy cập và sử dụng như một công cụ trợ giúp pháp lý, giúp lan tỏa tri thức pháp luật và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, AI được Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ứng dụng để phát triển giống lúa chống chọi khí hậu, hỗ trợ nông dân Việt Nam ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Các ví dụ trên chỉ là một phần nhỏ những gì AI có thể làm được. Báo cáo do Google đặt hàng thực hiện ước tính, các doanh nghiệp thuộc 6 nền kinh tế Ðông Nam Á (bao gồm Việt Nam) có thể nhận về lợi ích kinh tế lên tới 835 tỷ USD vào năm 2030 nếu áp dụng các sản phẩm và giải pháp được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.
Dù chỉ là những dự báo, trí tuệ nhân tạo hứa hẹn mang đến một tương lai đầy tươi sáng cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác AI
Lý giải về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo, chia sẻ tại FPT TechDay 2024, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud (Tập đoàn FPT) cho hay, các công ty trước đây cạnh tranh nhau chủ yếu bằng chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới, con người giờ đây không còn đứng một mình nữa mà làm việc cùng những “đồng nghiệp số”. Ðó là lý do mà AI sẽ trở nên vô cùng quan trọng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), Ðỗ Tiến Thịnh, trong bối cảnh cả thế giới đều quan tâm tới AI, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên để trở thành một điểm sáng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam có dân số trẻ, đang trong giai đoạn vàng với 75% dân số dưới 35 tuổi. Với tỷ lệ người sử dụng Internet khoảng 80% theo ước tính của Bộ TT&TT, nền kinh tế Internet Việt Nam cũng đang phát triển với tốc độ nhanh. Ðây là những điều kiện thuận lợi để người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 trong các nước khảo sát ở khu vực Ðông Nam Á về hệ sinh thái và số lượng startup AI.
“Trong một cuộc khảo sát về tiềm năng khởi nghiệp AI, Singapore hiện chiếm 44% startup AI trong khu vực. Việt Nam chiếm 27% startup AI, bỏ xa Indonesia và Thái Lan”, Phó Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia chia sẻ.
Ðại diện Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, Việt Nam có thuận lợi hơn nhiều quốc gia trong việc ứng dụng AI và các công nghệ số trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, thực phẩm, giáo dục, đào tạo, tiêu dùng…
Với những lợi thế sẵn có, trí tuệ nhân tạo có thể mang tới khả năng cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt, đồng thời tăng năng suất lao động của khối khu vực công.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần một chiến lược phát triển AI toàn diện và dài hạn.
Chiến lược để trở thành quốc gia dẫn đầu về AI
Nếu muốn phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, Việt Nam bắt buộc phải ứng dụng AI trong khu vực công. Ðó là nhận định được đưa ra bởi Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC).
Theo đó, hiện vẫn còn khoảng cách về việc ứng dụng AI giữa khu vực công và khu vực tư, các doanh nghiệp. Nhiều hệ thống thuế, hải quan, môi trường, quy hoạch… tại Việt Nam chưa ứng dụng AI. Việt Nam cần thúc đẩy ứng dụng AI trong khu vực công.
Song song đó, vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công và tư cũng cần được quan tâm chú ý.
“Việt Nam đang thiếu một Ban chỉ đạo quốc gia về AI. Ðã đến lúc cần có bộ phận chuyên môn chỉ đạo về AI trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách khuyến nghị cho sự phát triển AI của Việt Nam”, Phó Giám đốc Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia - Ðỗ Tiến Thịnh nêu quan điểm.
Theo ông Arnaud Ginolin, Giám đốc Ðiều hành Tập đoàn Tư vấn Boston, quy mô thị trường ứng dụng AI vào khu vực công sẽ đạt 1,75 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài cải thiện dịch vụ công, trợ lý ảo còn có nhiều ứng dụng khác như hỗ trợ vận hành nội bộ của chính phủ, hỗ trợ việc hoạch định chính sách...
Ðơn vị tư vấn này cho rằng, để ứng dụng trợ lý ảo trong khu vực công, đầu tiên các chính phủ cần phải định nghĩa, xây dựng cho mình chiến lược trong ngắn, trung và dài hạn.
Các quốc gia cần chỉ ra được mục tiêu, khát vọng của mình trong việc phát triển trợ lý ảo. Tiếp đó, các chính phủ cần chọn ra các “usecase” (kịch bản sử dụng) phù hợp cho nước mình, triển khai bắt đầu từ quy mô nhỏ và nhân rộng khi thành công.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn