Ðại bàng công nghệ dồn dập làm tổ
Theo Tech in Asia, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Ðông Nam Á đang thay đổi nhanh chóng, với những quốc gia như Việt Nam và Indonesia trở thành các địa điểm quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ quốc tế.
Nividia thực hiện các khoản đầu tư chiến lược vào Việt Nam về trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh hoạTrong khi Indonesia chủ yếu sử dụng lợi thế từ thị trường tiêu dùng lớn nhất khu vực, Việt Nam cũng có bước tiến đáng kể trong nỗ lực vượt qua vai trò là trung tâm sản xuất thông thường.
Việt Nam đã thành công trong việc thu hút Nvidia rót tiền xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thứ ba của hãng trên toàn cầu (chỉ sau Mỹ và Ðài Loan - Trung Quốc); một trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI); và mua lại VinBrain - startup AI thuộc Tập đoàn Vingroup.
“Trí tuệ nhân tạo là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Sự khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với lĩnh vực này sẽ là cú hích lớn để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam và cả Nvidia”, CEO Nvidia Jensen Huang cho biết trong một tuyên bố.
Việc gã khổng lồ AI đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam không chỉ đánh dấu một bước đi quan trọng, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực AI và bán dẫn.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Nvidia tại Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái AI, kéo theo sự tham gia của nhiều công ty cung cấp thiết bị cho các trung tâm dữ liệu.
Bên cạnh Nvidia, Việt Nam cũng đang đón nhận sự quan tâm của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Vào tháng 10, Meta (chủ sở hữu các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram) đã thông báo sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam.
Kế hoạch mở rộng dự kiến sẽ tạo ra tới 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam - theo ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu tập đoàn.
Không những vậy, là một phần trong chiến lược AI toàn cầu của hãng, Meta đã triển khai thử nghiệm trợ lý AI bằng tiếng Việt cho người dùng tại Việt Nam, trước cả khu vực châu Âu.
“Tất cả những điều này thể hiện sự tin tưởng của Meta vào sự thành công của Việt Nam”, đại diện Meta nói.
Tháng 12 vừa qua, đến lượt đại gia công nghệ Google thông báo chính thức chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược cho mở rộng đầu tư; theo đó, từ năm 2025, Công ty Google Việt Nam sẽ đi vào hoạt động chính thức, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ba gã khổng lồ kể trên, đến nay hầu hết các “anh tài” công nghệ thế giới như Qualcomm, Foxconn, SpaceX, Apple, Lam Research, Qorvo… đều đã và đang tiến hành các dự án đầu tư lớn vào Việt Nam cho thấy Việt Nam đang trên đà trở thành trung tâm công nghệ cao khu vực, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Khát vọng vươn lên
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam rất đa dạng, từ dân số trẻ, am hiểu công nghệ, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và vị trí địa lý chiến lược.
Sự đổ bộ, tăng cường đầu tư gần đây của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Nvidia, Meta hay Google vào Việt Nam không chỉ là dấu hiệu của sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu, mà còn phản ánh triển vọng phát triển của Việt Nam trong ngành công nghệ cao.
Ðây là minh chứng rõ rệt cho việc Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực.
“Việt Nam không chỉ có nguồn nhân lực dồi dào mà còn đang chứng tỏ sự cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao phát triển. Ðây là lý do tại sao chúng tôi chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo cho các dự án chiến lược”, CEO Jensen Huang đánh giá.
Trong khi đó, Sundar Pichai, CEO Google cho biết: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành trung tâm đổi mới công nghệ tại Ðông Nam Á. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng quốc gia này trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đào tạo nguồn nhân lực”.
Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật số, sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ nói riêng và tất cả các lĩnh vực nói chung, sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5% vào năm 2025.
Trong khi đó, Bloomberg nhận định, sự hiện diện của Nvidia, Meta, Google hay các gã khổng lồ công nghệ khác không chỉ mang lại cơ hội phát triển cho ngành công nghệ, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới các ngành công nghiệp khác như sản xuất, logistics và dịch vụ. Theo ước tính từ Bloomberg, các khoản đầu tư của Nvidia hay Google có thể đóng góp thêm 1% vào GDP hàng năm của Việt Nam trong thập kỷ tới.
Ngoài ra, việc hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu cũng giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, mở rộng khả năng hợp tác với các quốc gia và tổ chức toàn cầu, phản ánh bước tiến trong việc xây dựng nền tảng công nghệ vững mạnh cho tương lai.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn